(BongDa.com.vn) – Tài năng của Công Phượng không phải bây giờ tại giải U21 Quốc tế mới thể hiện mà đã được mọi người biết đến từ khi anh “ra lò“. Nhưng tại sao trước chuyến đi Nhật là có nhiều người nghi ngờ khả năng thành công của anh. Tất cả bởi họ nhìn vào màn thể hiện của Công Phượng ở V-League 2015. Họ nghĩ V-League mà không thành công thì J-League (nền bóng đá trình độ cao hơn) sẽ không thể thành công.
Nguyễn Công Phượng có một giải đấu U21 Quốc tế thành công. Ảnh: Đình Viên.
Nhưng người viết tin Công Phượng sẽ thành công vì những lý do dưới đây:
V-League ở Việt Nam là một giải đấu “đặc biệt“, đặc biệt đến nỗi không cứ giỏi là thành công, mà quan trọng là không để đồng nghiệp ghét vì quá nổi. Ai nói Lee Nguyễn không giỏi, thậm chí đó là cầu thủ giỏi nhất mà các CLB Việt Nam thuê về được, nhưng không thể trụ lại Việt Nam vì lối đá bạo lực tại V-League, nhưng khi về nền bóng đá cao hơn là Mỹ thì là một trong 2 chân sút hàng đầu tại MLS. Thế nên việc Công Phượng không thành công tại V-League không khó lý giải.
Tiếp đến ở Việt Nam, Công Phượng quá nổi, có thể nói “nổi tiếng quá mức“, “mất phần người khác“ nên khi thi đấu, đối phương thà để cho các tiền đạo khác vượt qua và ghi bàn, chứ để cầu thủ trẻ này qua mặt và ghi bàn để lại được nổi tiếng thì đó là sự sỉ nhục. Nên họ đá với quyết tâm cao nhất, thậm chí phạm lỗi. Công Phượng từng nói khi có bóng, việc đầu tiên là nhìn trước – sau xem có ai lao vào không để còn né đòn, thì đá làm sao được. Mỗi khi Công Phượng có bóng không chỉ một mà nhiều cầu thủ khác đều cảnh giác, tập trung số đông quây rát nên Công Phượng rất khó đá.
Thi đấu với HAGL chỉ có vài đội là đá đôi công (Hà Nội T&T, Bình Dương) ngoài ra là chơi phòng ngự số đông. Ngay cả Messi muốn đột phá cũng phải có khoảng trống, có đồng đội giỏi lôi kéo giãn hàng phòng ngự, chứ khi nào cũng có 8-9 cầu thủ ở trước khung thành thì cũng chịu.
Tiếp nữa Công Phượng là tiền đạo mà đối thủ nào cũng tìm hiểu kỹ càng về lối đá để hóa giải. Đó là sự ưu đãi đặc biệt mà không phải tiền đạo nào ở Việt Nam cũng “bị“ nên khó đá là dễ hiểu. Ở HAGL không có nhiều đồng đội đủ sức chia lửa với Công Phượng, vì thế đối phương lại càng có điều kiện bóp nghẹt.
Còn sang Mito Hollyhock lại khác. Khác cơ bản là Công Phượng không nổi tiếng và sẽ dễ thành công với những lý do sau:
Thứ nhất, chẳng ai thèm nghiên cứu kỹ lối đá một cầu thủ trẻ đến từ nền bóng đá kém phát triển Việt Nam làm gì. Họ cũng không cần quây rát, phạm lỗi, hay phòng ngự số đông, mà họ chỉ phòng ngự khu vực khi đó Công Phượng sẽ có khoảng trống nhiều hơn, ít bị kèm sát quyết liệt và tất nhiên khó bắt bài hơn ở Việt Nam.
Thứ hai ở Mito Hollyhock có nhiều đồng đội đẳng cấp chia lửa, vững vàng, ai cũng có thể nguy hiểm, ai cũng có thể ghi bàn nên đối phương không thể chăm chăm kèm 1 người. Công Phượng vì thế cũng sẽ giảm bớt gánh nặng hơn ở HAGL.
Thứ ba J-League 1 hay 2 thì ở đó không lo sợ phạm lỗi thô bạo, nên Công Phượng không phải nhìn trước ngó sau mà thoải mái tự tin hơn. Đối với cầu thủ thiên về kỹ thuật thì đó một lợi thế không nhỏ.
Tiếp nữa ở Nhật là nền bóng đá ưa chuộng kỹ thuật, đá nhỏ rất hợp Công Phượng chứ không thiên về sức mạnh, bóng dài như ở Singapo hay Úc hay Châu Âu. Cầu thủ ở Nhật cao to nhưng cũng không vượt trội như ở Châu Âu hay châu Phi.
Thứ tư đó chính là niềm tin của Ban lãnh đạo và HLV giành cho Công Phượng. Trong hợp đồng cũng ghi rõ và chính Mito Hollyhock cũng rất thích Công Phượng nên họ đặc cách không cần Công Phượng thử việc. Khác với Duy Mạnh và Đức Huy bắt thử việc, không được thì không nhận hoặc tài năng như Tuấn Anh cũng phải thử việc. Thế nên mới thấy Công Phượng được tạo điều kiện ra sân nhiều và tất nhiên khi được tin tưởng và ra sân nhiều thì có nhiều cơ hội chứng tỏ khả năng hơn.
Rất nhiều CĐV tin tưởng vào sự tỏa sáng của Nguyễn Công Phượng tại J-League 2. Ảnh: Đình Viên.
Và cái quan trọng nhất người viết tin vào thành công của Công Phượng đó chính là nghị lực vượt qua khó khăn của hoàn cảnh bản thân để vươn lên của con người xứ Nghệ. Tài năng Công Phượng có, lại được đào tạo trong môi trường và giáo án hiện đại của Arsenal, bây giờ sang Nhật tất cả đều tạo điều kiện cho Công Phượng phát triển.
Công Phượng là người lầm lì, sự lầm lì ẩn chứa một nghị lực phi thường từ khi còn là một cậu bé nghèo khổ, xa nhà, âm thầm khổ luyện để thành công. Người viết tin một cầu thủ vươn lên từ nghèo khó, có nghị lực bậc nhất trong lứa học viện HAGL – JMG như Công Phượng, khi sang Nhật mọi khó khăn ập đến sẽ thách thức nghị lực nơi con người này, và anh sẽ gồng mình vượt qua nơi xứ người để thành công như chính khi nhỏ Công Phượng đã gồng mình vượt qua khó khăn nơi đất Gia Lai xa xôi để khổ luyện thành tài.
Nói như BLV Quang Huy, Nơi Công Phượng có cả tài năng bẩm sinh của Văn Quyến và nghị lực khổ luyện phi thường của Công Vinh nên hy vọng và tin chắc Công Phượng sẽ thành công, chí ít cũng thành công hơn các đàn anh từng xuất ngoại.
(Bạn đọc: Phạm Anh Tuấn)
* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của bạn đọc.
Mời bạn đọc tiếp tục chia sẻ những bình luận, cảm xúc về các nhân vật, sự kiện, các giải bóng đá bằng cách email về banbientap@bongda.com.vn. Các quy định về cộng tác, vui lòng đọc tại đây.
Trân trọng,
Ban biên tập Báo Thể thao Việt Nam